Lịch sử Panduranga

Lịch sử Chăm Pa thời kỳ đầu qua các sử liệu và bia ký chỉ cho thấy những thông tin ở miền Bắc tại vùng AmaravatiVijaya. Thông tin về các địa khu/tiểu quốc phía nam như Panduraga và Kauthara nhắc tới muộn hơn. Có những công trình nghiên cứu cho rằng trước khi hợp nhất vào Lâm Ấp, Pandaranga là vùng lãnh thổ là chư hầu của Phù Nam.

Sau sự sụp đổ của các vương triều phía bắc trong thời kỳ Lâm Ấp, vào năm 757 một vương triều mới ở phía Nam lên nắm quyền kiểm soát toàn Chăm Pa, với kinh đô là Virapura, trong thời kỳ tiểu quốc Panduranga. Virapura nói riêng và Panduranga nói chung thực sự là trung tâm quyền lực của vương quốc, và đến năm 859 mới kết thúc vai trò trung tâm của mình đến thế kỷ 15. Tuy nhiên với thời gian, Panduranga lại trở thành nạn nhân của sự thịnh vượng, các thế lực lân bang liên tục tràn vào cướp phá. Trong suốt 21 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Panduranga, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng cao nguyên Langbian đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá. Vikrantavarman III mất năm 854 (được thờ dưới pháp danh Vikrantasvara), không người kế tự, nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp. Năm 859, một vương tôn có nhiều chiến công, tên là Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin, được triều thần đưa lên ngôi, hiệu Indravarman II. Quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm -theo tiếng Phạn cổ) được Indravarman II chính thức sử dụng. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Changcheng hoặc Chiêm Thành hoặc Chiêm Bà, tiếng Tây phương là Champa.

Từ năm 1471, sau khi kinh đô Vijaya thất thủ trước Đại Việt, Chăm Pa mất các lãnh thổ miền bắc từ đèo Cù Mông trở ra. Người Chăm tập trung quay về khu vực phía Nam với vương quốc mới là Panduranga, từ lúc đó địa khu Panduranga lại trở thành trung tâm hành chính của người Chăm tới năm 1832 khi nhà Nguyễn xóa hẳn quy chế tự trị.

  • Tiểu quốc Panduranga thành lập năm 757 như một hệ quả của sự phân rã quốc gia Lâm Ấp. Địa phận của Panduranga có thể giới hạn trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Nó độc lập cho đến năm 859 thì thống nhất với 4 tiểu quốc khác để thành hình quốc gia Chăm Pa, tuy nhiên tính tự trị vẫn được nguyên vẹn. Nước này định đô tại Virapura (Hùng Tráng thành), sau là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận, nay là xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, trên quốc lộ 1, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 310 km. Tiểu quốc Panduranga được xem là tiền thân của vương quốc Panduranga, thành lập năm 1471, với một số biến đổi về cương vực và dân số.
  • Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi Lê Thánh Tông cho sáp nhập vùng đất phía bắc Chăm Pa thành đạo Quảng Nam. Đó là phần đất từ phía Nam sông Thu Bồn đến phía Bắc đèo Cù Mông (tức là vùng Thừa tuyên Quảng Nam thời Lê, xứ Quảng Nam thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận - Quảng).[1] Một vị tướng của Chăm Pa là Bố Trì Trì lui về Phan Rang tên ngôi vua và cai quản phần lãnh thổ còn lại từ đèo Cả tới Bình Thuận với danh nghĩa là chư hầu của Đại Việt. Phần đất này được chia làm ba vùng: Đại Chiêm, Nam Bàn và Hoa Anh [1]. Trong đó, Đại Chiêm lả lãnh thổ của Champa bao gồm tiểu quốc Kauthara, Panduranga và sau này còn có thêm tiểu quốc Aiaru ở phía Bắc Kauthara, tức là lãnh thổ của nước Hoa Anh trước kia.
  • Năm 1579, Nguyễn Hoàng sai tướng là Lương Văn Chính tiến đánh nước Hoa Anh (Phú Yên ngày nay). Tới năm 1611, Nguyễn Hoàng trấn thủ xứ Đàng Trong tiếp tục tấn công Panduraga-Chăm Pa và sáp nhập vùng Phú Yên vào lãnh thổ Đàng Trong. Tới năm 1653, Nguyễn Phúc Tần tấn công và sáp nhập vùng Khánh Hòa vào lãnh thổ Đàng Trong.
  • Năm 1594, một vị vua Chăm gửi đoàn hạm đội sang Malaysia giúp vương quốc Johor chống lại Bồ Đào Nha. Năm 1693, tướng Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục tấn công và sáp nhập vùng lãnh thổ còn lại là Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy nhiên do sự kháng cự của người Chăm đồng thời các chúa Nguyễn cũng muốn tập trung nguồn lực cho việc tấn công Campuchia nên đã rút lui và dành cho chính quyền người Chăm chế độ tự trị.
  • Từ năm 1828-1832, chính quyền Chăm Pa là đồng minh của tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt trong cuộc tranh chấp với Minh Mạng. Năm 1832, Minh Mạng chấm dứt sự tự trị của người Chăm sau khi cho thành lập tỉnh Bình Thuận trên vùng đất cuối cùng này.